Đau tai ù tai: Những điều cần biết
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ù tai là âm ù trong tai, âm này không bắt nguồn từ môi trường bên ngoài và được phân biệt với ảo thính trong bệnh tâm thần phân liệt hoặc các bệnh lý tâm thần khác. Ù tai có thể liên tục hoặc cách hồi, âm ù bao gồm: tiếng chuông, tiếng vo ve, tiếng huýt gió, tiếng xèo xèo, tiếng gầm, tiếng chiêm chiếp của gà con hoặc các âm khác...
1. Triệu chứng và phân loại ù tai
Mặc dù đau tai ù tai thường gây cảm giác khó chịu nhưng thường không phải là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. Mặc dù tình trạng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác, nhưng đối với nhiều người, chứng ù tai có thể cải thiện khi điều trị. Điều trị một nguyên nhân sẽ cải thiện được tình trạng ù tai.
Ù tai có thể phân làm 4 loại cơ bản:
- Ù tai cấp: Kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, nguyên nhân thường do nhiễm trùng tai, một số loại thuốc, đau tai ngoài, chấn thương đầu cổ, tiếp xúc tiếng ồn lớn kéo dài, ráy tai và bệnh lý huyết áp, tim mạch, bệnh lý biến dưỡng, nhìn chung các bệnh lý này thường xác định được và điều trị khá hiệu quả, vì vậy ù tai thường được giải quyết tốt.
- Ù tai mạn: Kéo dài ≥ 3 tháng, có thể do các nguyên nhân đã được nêu trên, đồng thời thường xảy ra ở bệnh nhân nghe kém. Hầu hết các trường hợp ù tai mạn rất khó điều trị hết hẳn, các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có khả năng làm giảm mức âm ù giúp người bệnh thoải mái hơn với một chiến lược kiểm soát ù tai lâu dài phù hợp với từng người bệnh.
- Ù tai khách quan: Thầy thuốc và những người chung quanh cũng có thể nghe được âm ù phát ra từ tai người bệnh, nguyên nhân có thể do bất thường mạch máu (rò động- tĩnh mạch bẩm sinh), ống nối động- tĩnh mạch mắc phải, u cuộn cảnh, độ xoáy dòng chảy động mạch cảnh, hẹp động mạch cảnh, còn động mạch bàn đạp hoặc các vòng mạch như vòng mạch động mạch nối trước-dưới (AICA) hoặc động mạch nối sau dưới (PICA) chèn ép thần kinh thính giác hoặc rối loạn cơ học như bất thường vòi nhĩ, co thắt các cơ khẩu cái, bệnh khớp thái dương hàm và co thắt cơ bàn đạp. Tuy nhiên ù tai khách quan rất hiếm gặp, tỉ lệ < 1% trong toàn bộ các trường hợp ù tai. Hầu hết ù tai đều thuộc dạng ù tai chủ quan.
- Ù tai chủ quan: Chỉ có người bệnh nghe được âm ù này trong tai, nguyên nhân thường gặp như tiếp xúc tiếng ồn quá lớn và kéo dài như tiếng ồn công nghiệp, tiếng súng, máy nổ hoặc nghe nhạc.
2. Nguyên nhân dẫn đến ù tai
Tiếp xúc với tiếng ồn lớn có thể gây ù tai
Nguyên nhân phổ biến gây ù tai:
- Nghe kém liên quan đến tuổi. Đối với nhiều người, thính giác trở nên kém theo tuổi, thường bắt đầu khoảng 60 tuổi. Mất thính giác có thể gây ù tai. Thuật ngữ y khoa cho nghe kém này là điếc tuổi già (presbycusis).
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Những tiếng động lớn, chẳng hạn như những thiết bị nặng, cưa xích và súng, là những nguyên nhân gây giảm thính lực liên quan đến tiếng ồn. Các thiết bị nghe nhạc di động, như máy nghe nhạc MP3 hoặc iPod, cũng có thể gây mất thính lực liên quan đến tiếng ồn nếu mở nhạc tiếng to trong thời gian dài. Chứng ù tai do tiếp xúc thời gian ngắn, chẳng hạn như tham dự một buổi hòa nhạc lớn; cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với âm thanh lớn đều có thể gây ra tổn thương thính lực vĩnh viễn.
- Tắc nghẽn do ráy tai. Ráy tai bảo vệ ống tai của bạn bằng cách chặn bụi bẩn và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Khi quá nhiều ráy tai tích tụ có thể gây giảm thính lực hoặc kích thích màng nhĩ, có thể dẫn đến ù tai.
Các nguyên nhân gây ù tai khác ít phổ biến hơn:
- Bệnh Meniere. Chứng ù tai có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh Meniere, một chứng rối loạn tai trong có thể do bất thường ở áp lực dịch tai trong.
- Hội chứng rối loạn thái dương hàm (TMJ - Temporomandibular Joint Syndrome). Các vấn đề với khớp thái dương hàm, khớp ở hai bên đầu trước tai, nơi xương hàm dưới gặp sọ, có thể gây ù tai.
- Chấn thương đầu hoặc chấn thương cổ. Chấn thương đầu hoặc cổ có thể ảnh hưởng đến tai giữa, tai trong, dây thần kinh thính giác hoặc chức năng não liên quan đến thính giác. Chấn thương như vậy thường chỉ gây ù tai ở một bên tai.
- U dây thần kinh thính giác (Acoustic Schwannoma). Khối u lành tính này phát triển trên dây thần kinh sọ chạy từ não đến tai trong và kiểm soát sự cân bằng và thính giác. Còn được gọi là u thần kinh tiền đình, tình trạng này thường gây ra triệu chứng ù tai chỉ ở một tai.
- Co thắt cơ ở tai trong. Cơ ở tai trong có thể căng lên dẫn đến ù tai, giảm thính lực và cảm giác đầy trong tai. Điều này đôi khi xảy ra không có lý do, nhưng cũng có thể được gây ra bởi các bệnh thần kinh, bao gồm cả bệnh đa xơ cứng.
Rối loạn mạch máu liên quan đến ù tai:
Trong một số ít trường hợp, ù tai là do rối loạn mạch máu. Loại ù tai này được gọi là ù tai dạng nhịp điệu, nguyên nhân bao gồm:
- Xơ vữa động mạch. Với tuổi tác và sự tích tụ cholesterol và các chất lắng đọng khác, các mạch máu lớn ở gần tai giữa và bên trong mất đi một phần tính đàn hồi. Điều đó khiến lưu lượng máu trở nên mạnh hơn khiến tai dễ dàng phát hiện nhịp đập hơn. Người bệnh thường có thể nghe thấy loại ù tai này ở cả hai tai.
- Khối u đầu và cổ. Khối u đè lên các mạch máu trong đầu hoặc cổ (u mạch máu) có thể gây ù tai và các triệu chứng khác.
- Huyết áp cao. Tăng huyết áp và các yếu tố làm tăng huyết áp, chẳng hạn như căng thẳng, rượu và caffeine, có thể làm cho chứng ù tai nặng hơn.
- Dị tật của mao mạch. Một tình trạng gọi là dị dạng động tĩnh mạch (tên tiếng Anh là arteriovenous malformation), là sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch, có thể dẫn đến ù tai. Loại ù tai này thường chỉ xảy ra ở một bên tai.
Các loại thuốc có thể gây ù tai:
Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng ù tai. Thông thường, liều của các loại thuốc này càng cao thì chứng ù tai càng nặng. Thường thì tiếng ồn không mong muốn sẽ biến mất khi người bệnh ngừng sử dụng các loại thuốc này. Các loại thuốc được biết là gây ra hoặc làm nặng thêm chứng ù tai bao gồm:
- Thuốc kháng sinh, bao gồm polymyxin B, erythromycin, vancomycin và neomycin
- Thuốc điều trị ung thư.
Một số thuốc điều trị ung thư có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng ù tai
3. Ai dễ mắc ù tai nhất?
Bất cứ ai cũng có thể bị ù tai, nhưng những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc:
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn lớn có thể làm hỏng các tế bào lông nhỏ trong tai có chức năng truyền âm thanh đến não Những người làm việc trong môi trường ồn ào - như công nhân nhà máy và xây dựng, nhạc sĩ và binh lính có nguy cơ cao hơn những người làm các công việc khác.
- Tuổi tác: Khi già đi, số lượng sợi thần kinh hoạt động trong tai sẽ giảm, có thể gây ra các vấn đề về thính giác thường liên quan đến chứng ù tai.
- Đàn ông có nhiều khả năng bị ù tai cao hơn phụ nữ.
- Hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng ù tai cao hơn so với người không hút.
- Vấn đề về tim mạch. Các bệnh ảnh hưởng đến lưu lượng máu, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc hẹp động mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc ù tai.
4. Biến chứng của ù tai
Chứng ù tai có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù nó ảnh hưởng đến mọi người khác nhau, nhưng nếu bị ù tai có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Mệt mỏi
- Căng thẳng
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Khó tập trung
- Vấn đề trí nhớ
- Phiền muộn
- Lo lắng và cáu kỉnh.
Điều trị các biến chứng có thể không thể điều trị chứng ù tai, nhưng nó có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Webmd.com, Vinmec.com