Biếng ăn là một tình trạng rất phổ biến của trẻ thường trong giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi và biểu hiện là trẻ không chịu ăn hoặc ăn ít hơn 60% nhu cầu hằng ngày, thời gian kéo dài trên 1 tháng và có dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, sức đề kháng. Nếu không can thiệp kịp thời thì trẻ biếng ăn có thể bị suy dinh dưỡng từ nhẹ tới nặng.
Biếng ăn có nhiều mức độ: trẻ ăn ít hơn so với bình thường, chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn hoặc nặng hơn là từ chối ăn, sợ, nôn ói khi nhìn thấy thức ăn.
CÁC DẤU HIỆU CỦA BIẾNG ĂN Ở TRẺ
● Bình thường một bữa ăn của trẻ kéo dài khoảng 15 – 20 phút tối đa là 30 phút, trẻ được coi là biếng ăn khi thời gian kéo dài trên 30 phút.
● Số bữa ăn và lượng ăn phụ thuộc vào tuổi của trẻ, ví dụ trẻ 1 tuổi cần ăn 3 – 4 bữa cháo (bột)/ngày + 500ml sữa nếu trẻ chỉ ăn được 2 bữa hoặc và ít hơn 250ml sữa/ngày thì được coi là biếng ăn.
● Khi trẻ ăn ngon miệng; trạng thái tinh thần của trẻ vui vẻ, hào hứng; khi ăn hợp tác tốt với người cho ăn, còn trẻ biếng ăn thì thường gào khóc, không há miệng, quay mặt đi.
CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH BIẾNG ĂN
Nguyên nhân gây biếng ăn thường gặp ở trẻ em là:
● Do bệnh lý: thường là bệnh suy dinh dưỡng làm giảm hoạt động các cơ quan
● Trẻ em không có thói quen sinh hoạt đúng giờ: trẻ thường hiếu động, mải chơi nên quên ăn
● Do sai lầm của cha mẹ: nhận thức, ép ăn quá nhiều, kéo dài thời gian ăn của trẻ, vừa xem tivi vừa ăn...
● Thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ.
LÀM GÌ KHI TRẺ BIẾNG ĂN?
1. Tập cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ: khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 3-4 tiếng, thời gian mỗi bữa ăn khoảng 20-30 phút, hạn chế cho trẻ uống nhiều nước trước và trong bữa ăn, không ăn vặt giữa các bữa chính và phụ. Đừng ép trẻ ăn khi trẻ thực sự không muốn ăn.
2. Cho trẻ ăn khi có dấu hiệu đói như rên rỉ, bụng sôi, đòi ăn và ngưng khi có dấu hiệu no như ngậm miệng, gạt thức ăn ra. Trẻ chỉ muốn ăn khi trẻ thực sự cảm thấy đói. Cho trẻ ăn đúng chế độ theo lứa tuổi, mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều loại thức ăn.
3. Tập trung trẻ vào bữa ăn: cho trẻ ngồi cố định 1 chỗ, không cho trẻ xem Tivi, điện thoại hay cầm nắm đồ chơi, khen ngợi khi trẻ tự ăn. Cho trẻ được tự do lựa chọn tư thế ngồi ăn, cho trẻ tự ăn, tự xúc. Các biện pháp như răn đe, dọa nạt, chỉ làm tình trạng biếng ăn của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Cố gắng tạo bữa ăn sum họp gia đình để tạo cho trẻ không khí thoải mái, giúp trẻ có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Hãy để trẻ được tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn như đi chợ, nhặt rau, nấu nướng, trang trí để trẻ thích thú với món ăn hơn.
5. Kiên nhẫn tập cho trẻ ăn 1 thực phẩm mới: không ép buộc, gây áp lực. Mỗi lần cho ăn 1 lượng nhỏ thức ăn mới kèm với thực phẩm mà trẻ ưa thích. Nói cho trẻ biết về những ưu điểm của thực phẩm mới bằng cách kể chuyện để trẻ hào hứng.
6. Lên danh sách cụ thể cho từng bữa ăn hàng ngày trong tuần: nên có 2-3 món trong 1 bữa ăn, chế biến phù hợp cho trẻ ăn: băm nhuyễn, cắt nhỏ, bổ sung các thực phẩm có nhiều sắt và vitamin B như các loại đậu, thịt, hải sản, rau lá xanh và các sản phẩm từ sữa.